Phòng tránh những tai nạn thường xảy ra ở trẻ em trong dịp tết

            Ngày tết, người lớn bận rộn với công việc dọn dẹp gia đình để đón chào năm mới, đôi khi lơ là với trẻ em. Do vậy, trẻ em được tự do có thể xảy ra các tình huống tai nạn đáng tiếc. Chính vì vậy, sáng ngày 14 tháng 01 năn 2019, Y tế đã tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và toàn thể học sinh trong buổi chào cờ đầu tuần. Nhằm hạn chế các tình huống những tai nạn có thể xảy ra để học sinh lưu ý cách phòng tránh kịp thời.

1. Hóc dị vật đường thở

Ngày Tết, các món ăn như kẹo, hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương, thạch... thường được nhiều gia đình Việt dùng để tiếp khách. Tuy nhiên, những đồ ăn này lại có thể gây hại cho trẻ nhỏ nếu như cha mẹ không để ý. Trẻ dễ bị sặc, hóc kẹo, thạch… nếu không biết cách ăn, ăn vội vàng hoặc cười đùa khi ăn. Do vậy, khi cho trẻ ăn các loại hạt này, tốt nhất cha mẹ nên bóc tách hoặc hướng dẫn các em bóc và ăn từ từ, tránh ngậm trong miệng rồi đi chơi hay chạy nhảy. Tai nạn dễ xảy ra do trẻ vừa chơi đùa vừa ăn uống và nghịch với dị vật. Đây là một trong những tai nạn nguy hiểm nếu cấp cứu không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.


2. Giữ nếp sinh hoạt đều đặn, chú ý ăn uống

Các em nên duy trì giờ giấc ổn định, đảm bảo ngủ đủ rất quan trọng với tình trạng sức khỏe. Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng như hàng ngày cho trẻ, hạn chế tối đa việc ăn nhiều bánh kẹo, phẩm màu lòe loẹt, nước ngọt vì hiện nay nước ngọt có gas vì hàng giả rất nhiều, thức ăn bán rong không rõ nguồn gốc... Không mua hàng đóng gói không nhãn mác, không địa chỉ, không có ngày sản xuất, không hạn dùng, hết hạn dùng, nhãn hàng in lem nhem.

Tránh ăn ở các quán gần nơi dơ bẩn, không có nước sạch hoặc không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường (nếu ở mặt đường, vỉa hè) hoặc không có lưới che ruồi nhặng (nếu ở trong nhà có mái che).

Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn là rất cần thiết.


3. Bỏng

Trong ngày lễ tết, gia đình bận rộn, công việc bếp núc cũng nhiều hơn, trẻ em chơi gần khu vực này có thể dễ đụng vào nước hay thức ăn nóng, hoặc đồ đang đun nấu. Trẻ nghịch ngợm bất cẩn kéo đổ vật nóng vào người, hay người lớn bận rộn nên để trẻ tự tắm mà không điều chỉnh nguồn nước nóng cho trẻ… Do vậy trẻ có thể không may bị bỏng, tai nạn này không chỉ gây đau đớn và nguy hiểm mà còn để lại hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới chức năng, thẩm mỹ và tâm lý cho trẻ.

Biện pháp xử lý: Rửa nhanh vết bỏng cho trẻ bằng nước lạnh, xả thật nhiều nước nhằm làm mát vết thương trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Phòng tránh: Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy ...). Khi bưng, bê nước nóng, thức ăn mới nấu chín phải chú ý: tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm rửa. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.


4. Điện giật

Ngày tết, nhà cửa dọn dẹp và đặc biệt các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai. Những ổ cắm điện lộ thiên là đối tượng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Các dây điện dùng lâu hoặc các dây cắm không tốt là nguy cơ tiềm ẩn gây điện giật cho trẻ nhỏ.

Phòng tránh: Ngắt điện ở tất cả những dụng cụ không sử dụng, dán băng keo hoặc dùng nắp đậy các lỗ cắm điện, thay các dây điện cũ, đặc biệt lưu ý các chỗ dây điện bị gấp khúc là nơi dễ bị sờn tróc vỏ bọc, do đó trẻ nhỏ không được sờ hoặc chạm khu vực có những dây điện để lộ thiên, những dàn đèn trang trí nhấp nháy …


5. Tai nạn thương tích

Ngày Tết, các gia đình thường di chuyển rất nhiều đi chơi xuân, thăm thú họ hàng. Vì thế, trẻ trong những lần di chuyển, đi chơi như vậy các em hạn chế việc chạy nhảy, đùa nghịch có thể khiến trẻ ngã và gây tai nạn thương tích không đáng có

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, hay bắt chước người lớn như leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế, leo lên võng… và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Nhiều trẻ còn thích khám phá xung quanh vì tính tò mò như bò/đi ra lan can, ban công, vào nhà tắm trơn trượt, trèo lên xe đạp khi chưa vững.. do đó rất dễ bị té ngã và chấn thương. Khi té ngã, nhẹ nhất là trẻ bị chấn thương phần mềm, chảy máu hoặc xây xát da tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể bị gẫy tay, gẫy chân, hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Do đó trẻ em cần lưu ý không nên chơi ở khu vực cầu thang, lan can, ban công để không gặp nguy hiểm; nên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường...


6. Tai nạn do pháo

Tết nhưng ở nhiều vùng quê, pháo vẫn hay được sử dụng. Nhiều gia đình cho trẻ về quê chơi vào ngày Tết nhưng không sát sao, dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị thương do tiếp xúc với vật liệu cháy nổ.

Chính vì thế, dù các em đi đâu chơi Tết thì không được chơi pháo để tránh những hậu quả khôn lường của trò chơi từ vật liệu cháy nổ.


 7. Phòng tránh tai nạn đuối nước

Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối … trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.

Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.

Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
- Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
- Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
- Phải khởi động trước khi xuống nước.
- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Không dùng các phao bơm hơi.
- Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi,kèm.
- Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.


Bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm của người lớn dành cho trẻ em. Mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chăm lo, bảo vệ trẻ em, góp phần phòng tránh tai nạn cho trẻ em./.

                                                                                                     Tác giả: Cao Thị Lộc

TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 59
  • Trong tuần: 1 854
  • Tất cả: 394133
2015 © Trường Tiểu Học Tân Bình
Chịu trách nhiệm: Hiệu trưởng Hà Thị Bích Phượng
Địa chỉ: Phường Tân Bình - TP Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước