Tuyên truyền phòng chống tai nạm thương tích ở trẻ em

Chúng ta đã biết phòng tránh tai nạn và thương tích cho trẻ em là một trong các nhiệm vụ chung của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Tai nạn thương tích (TNTT) thường bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được và gây ra những thương tổn trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Do đó việc tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và toàn thể học sinh về phòng tránh TNTT là vô cùng cần thiết. Nhằm hạn chế nguy cơ mắc và tử vong do TNTT chúng ta cùng tìm hiểu về TNTT và các biện pháp phòng tránh và sơ cấp cứu kịp thời qua một số biện pháp sau.

1. Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em.

* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:  

- Trẻ em không đi xe đạp hàng ba. Không đùa nghịch đu bám tàu xe. Không đua xe, không phóng nhanh vượt ẩu.

- Không điều khiển xe sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn.

- Mọi người khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi khi đi xe máy.

- Trẻ nhỏ khi qua đường cần có người lớn đi kèm.

- Phải làm hàng rào, cổng, cửa chắn nếu nhà gần đường giao thông đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. 

Hình 1: Không đá bóng, dắt trâu hoặc chơi đùa dưới lòng đường

* Cách sơ cấp cứu:

-  Khi trẻ bị tai nạn giao thông cần nhanh chóng sơ cứu cầm máu vết thương.

-  Nếu bị chấn thương vào đầu hoặc nghi ngờ có gãy xương cần cố định và bất động nạn nhân, gọi người có chuyên môn y tế giúp đỡ  sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.

2. Phòng tránh đuối nước cho trẻ em

Trẻ nhỏ sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở khi ngã xuống nước, dù rất ít nước trẻ cũng có thể bị chết đuối.

* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi đùa một mình bên cạnh các vật dụng chứa nước như chum, vại, bể nước, hố nước, giếng nước.

-  Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn đi kèm. 

- Nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi và lấp kín các hố và rãnh nước sau khi sử dụng.

- Nên làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, chum vại.

- Người lớn phải đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

- Phải mặc áo phao cho trẻ khi tham gia giao thông đường thủy.

- Nên dạy trẻ tập bơi lội khi trẻ được 6 tuổi trở lên.

Hình 2: Hãy dạy bơi cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên

* Cách sơ cấp cứu:

- Cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, làm thông đường thở.

-  Nếu trẻ đã bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt một cách kiên trì sau đó nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Phòng tránh ngộ độc cho trẻ em

* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

-  Phải cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc chuột, thuốc chữa bệnh, bình xịt muỗi, thuốc tẩy rửa v.v.

- Hướng dẫn và thực hành cho trẻ ăn, uống sạch, không ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu, nấm lạ…

- Không sử dụng các vật chứa hóa chất để đựng đồ ăn, thức uống.

- Không sử dụng các vật đựng đồ ăn thức uống để chứa các chất khác như xăng, cồn, dầu hỏa.

Hình 3: Cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất

* Cách sơ cấp cứu:

Nếu nghi ngờ trẻ uống nhầm phải thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, ăn phải nấm độc…thì bằng mọi cách gây nôn ngay cho trẻ và cho uống than hoạt tính. Sau đó chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

4. Phòng tránh ngã cho trẻ em

Trẻ  nhỏ  thường hiếu động, chạy nhảy, leo trèo nên rất dễ  bị  ngã. Ngã là loại tai nạn thương tích dễ gặp và dễ gây những hậu quả  nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

*Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

-  Thường xuyên nhắc nhở trẻ không chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau khi ở nhà, ở trường, trên đường đi học, đi chơi.

- Dạy trẻ không được leo trèo: trèo cây, trèo tường, cột điện, cầu thang...

- Võng mắc cho trẻ phải thấp và có dây buộc 2 mép võng khi trẻ ngủ trong võng. Không cho trẻ nhỏ đùa nghịch, đu võng...

- Đảm bảo các bậc thềm, bậc cầu thang không trơn trượt, không quá dốc, quá hẹp.

-  Luôn giữ sàn  nhà, nhà tắm, sân khô ráo không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm.

Hình 4: Hãy dạy trẻ không được leo trèo cầu thang

* Cách sơ cấp cứu:

-  Quan sát, tìm hiểu nguyên nhân gây cho trẻ ngã để có cách  xử lý thích hợp.

-  Nếu chấn thương nhẹ như bầm, tím, xây sát da thì phải rửa bằng nước sạch, sát trùng và băng lại.

-  Nếu chấn thương nặng như gãy xương, chảy máu thì phải cố định xương và cầm máu bằng cách băng ép sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

5. Phòng tránh bỏng cho trẻ em

Bỏng rất nguy hiểm, nếu bỏng nặng có thể  để  lại di chứng như sẹo, co rút cơ, gây tàn phế suốt đời hoặc gây chết người. Trẻ em, đặc biệt từ  2 - 5 tuổi dễ  bị  bỏng  vì tính trẻ  hiếu động, tò mò và do sự  bất cẩn của người chăm sóc trẻ.

Hình 5: Hãy để xa tầm với của trẻ các vật nóng, nguy hiểm

* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

-  Phải làm cửa chắn quanh khu vực nấu ăn.

-  Phải để xa tầm với của trẻ đối với thức ăn, đồ uống mới nấu như nồi canh, nồi cơm, nước sôi, phích nước nóng, vật dễ cháy nổ như ga, xăng, cồn…

- Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.

-  Hướng dẫn trẻ không nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, bật lửa, xăng dầu.

Hình 6: Ngâm phần tay trẻ bị bỏng vào chậu nước mát

*Cách sơ cấp cứu:

Khi trẻ bị bỏng, cần  nhanh chóng  đưa  trẻ  ra  khỏi  nguồn  gây bỏng, ngâm vùng cơ thể bị bỏng hoặc dưới vòi nước mát trong vòng 20- 30 phút, sau đó chuyển trẻ bị  nạn đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

6. Phòng tránh động vật cắn, đốt, húc trẻ em.

*Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Không cho trẻ trêu chọc các con vật như chó, mèo, không phá tổ ong.

- Dạy trẻ không chơi gần bụi rậm đề phòng rắn cắn.

- Đi ra ngoài buổi tối với trẻ nên có đèn hoặc khua gậy khi đi qua bụi rậm.

- Không cho trẻ đứng hay đùa nghịch trên lưng trâu, bò.

- Phải tiêm phòng đầy đủ cho các vật nuôi như chó, mèo.

*Cách sơ cấp cứu:

-  Rửa vết cắn bằng nhiều nước và xà phòng, nếu cần có thể sử dụng bất cứ loại nước sạch có sẵn rồi chuyển trẻ tới cơ sở y tế.

7. Phòng tránh điện giật cho trẻ em.

Điện giật rất nguy hiểm vì gây bỏng, tổn thương thần kinh và dễ gây chết người.

*Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Để ổ điện lên cao, ngoài tầm với của trẻ.

- Dùng ổ cắm điện có nắp đậy hoặc lấy băng dính dán kín những ổ cắm điện ít dùng đến.  

- Cấm dùng dây điện không có phích để cắm trực tiếp vào ổ điện.

- Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện đề phòng bị hở.

- Dạy trẻ và không để trẻ chơi gần máy thủy điện  nhỏ, trạm điện, biến thế điện.

- Dạy trẻ và hướng dẫn trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống.

- Không để trẻ trèo cột điện, thả diều gần đường dây điện.

- Hướng dẫn trẻ khi trời mưa to, giông bão phải chạy ngay vào trong nhà, không được đứng ngoài đồng trống, không được trú, nấp dưới gốc cây to để phòng sét đánh.

Hình7: Khi cứu người bị điện giật phải dùng vật liệu cách điện để tiếp xúc tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện

* Cách sơ cấp cứu:

-  Quan sát đảm bảo an toàn và bằng mọi cách tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

-  Nếu trẻ đã bất tỉnh phải kêu gọi mọi người giúp đỡ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt theo các bước dưới đây, cần làm ngay lập tức và kiên trì. Sau đó, khi thấy nạn nhân hồi tỉnh sẽ chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

8. Phòng tránh ngạt, tắc đường thở cho trẻ em

Trẻ  nhỏ rất dễ bị ngạt và tắc đường thở khi nuốt hoặc nhét các vật gây tắc đường thở vào miệng, mũi.

*Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

- Cho trẻ ăn thức ăn đã nghiền nhuyễn, không lẫn xương, lẫn hạt.

- Để  ngoài tầm với của trẻ  các vật dễ  nuốt như đồng xu, kim băng, cúc

áo, hạt trái cây, lạc…

- Không để trẻ nhỏ vừa ăn vừa cười đùa.

- Dạy trẻ không nên chơi  trò  dùng  túi  ni lông, chăn, gối để chụp lên đầu nhau.

* Cách sơ cấp cứu:

- Nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng của trẻ.

- Để trẻ cúi hoặc nằm sấp trên đùi bạn, đầu thấp hơn cơ thể. Vỗ mạnh nhiều lần vào lưng giữa hai vai trẻ để dị vật bật ra ngoài.

-  Nếu trẻ  bất tỉnh phải hà hơi thổi ngạt  như các bước dưới đây và khi trẻ thở được thì chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Hình 8:  Để  trẻ  cúi gập người, vỗ  mạnh nhiều lần vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai để tạo phản xạ văng dị vật ra khỏi cơ thể trẻ

9. Phòng tránh tai nạn bom mìn và các loại vật nổ cho trẻ em

-  Bom mìn, đạn, vật liệu nổ đều rất nguy hiểm, gây chết người hoặc thương tích cho bản thân và mọi người xung quanh.

* Người chăm sóc trẻ cần chú ý:

-  Dạy trẻ  biết phòng tránh và nhận biết được các loại bom mìn, đạn, vật liệu nổ.

- Không để trẻ tham gia dò tìm phế liệu chiến tranh.

- Không được cưa, đục, tháo gỡ hoặc đốt cháy bom, mìn, vật nổ, vật lạ.

- Phải rào và lắp biển báo, biển cấm khi phát hiện khu vực có bom mìn, vật nổ.

- Dạy trẻ tuyệt đối không được đụng, chạm, cầm, di chuyển, ném đến bom mìn, vật nổ, vật lạ với bất cứ lý do gì khi nhìn thấy.

- Không được dùng sỏi đá, que, gậy hoặc những vật khác để  ném, đạp vào bom, mìn, vật nổ.

10. Phòng tránh vật sắc nhọn cắt, đâm

* Trẻ nhỏ rất thích tiếp xúc với mọi vật nên có nguy cơ cao bị các vật sắc nhọn cắt, đâm vào người. Người chăm sóc trẻ nên hết sức chú ý:

- Để lên cao, an toàn hoặc có giá treo ngoài tầm với của trẻ các vật dụng sắc nhọn trong gia đình như dao, kéo, rìu, cưa, cung nỏ, liềm,...

- Không cho trẻ chơi với các vật dụng sắc nhọn trong gia đình hoặc chơi ở nơi có nhiều vật dụng sắc nhọn xung quanh như mảnh kính vỡ, đá nhọn,...

* Cách sơ cấp cứu

Nhanh chóng rửa sạch, sát trùng và cầm máu vết thương, sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Hình 9: Các vật sắc nhọn phải có giá treo cao, xa tầm với của trẻ

* Cách sơ cấp cứu:

- Tiến hành cầm máu sau vết thương.

-  Nếu có nghi ngờ có gãy xương cần cố định và bất động nạn nhân,

gọi người có chuyên môn y tế giúp đỡ.

- Nhanh chóng chuyển trẻ bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Hình 10 Cố định và bất động nạn nhân bị gãy xương chân

Bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm của người lớn dành cho trẻ em. Mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chăm lo, bảo vệ trẻ em, góp phần phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em.

                                                                           Tác giả: HP

TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 19
  • Trong tuần: 1 394
  • Tất cả: 503050
2015 © Trường Tiểu Học Tân Bình
Chịu trách nhiệm: Hiệu trưởng Hà Thị Bích Phượng
Địa chỉ: Phường Tân Bình - TP Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước